Tin mới nhất: Sáng nay Chủ tịch UBND Hà Tĩnh ra công điện hỏa tốc yêu cầu các ban ngành sẵn sàng đón bão. Bão số 10 được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong 6 năm qua, sẽ đổ bộ vào Quảng Trị và Quảng Bình vào chiều mai (29/9).
Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào hồi 16 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế khoảng 170km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Hướng đi của bão số 10
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 16 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 01/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 101,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Ảnh chụp mây vệ tinh bão số 10 hồi 19h ngày 29/9
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Từ sáng mai (30/9), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.
Để chủ động đối phó với bão và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, chống bão số 10 nhằm hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra, nhất là thiệt hại về người và tài sản.
Đồng thời huy động các lực lượng để chủ động đối phó với cơn bão số 10; tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển và bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão; tổ chức neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú, kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, có các phương án sơ tán, di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, những nơi có khả năng ngập sâu và có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.
Bên cạnh đó cử người canh gác tại các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho đi qua những khu vực nguy hiểm; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ; chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn hồ đập; đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho công tác, phòng, chống bão; khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng công trình; cắt tỉa cành cây bao gồm cả khu vực miền núi; chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của bão.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Tỉnh đã lên phương án di dời khoảng 2.000 hộ dân vùng xung yếu, sạt lở, vùng ven biển, cửa biển. 13 hộ dân đang sinh sống tại xóm Cồn xã An Vĩnh và khu vực Mom tàu xã An Bình ( Đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi) cũng đã được đưa về nơi trú ẩn an toàn.